Nhiều nhân viên văn phòng bất ổn tinh thần khi làm việc từ xa

img

So với thế hệ trước, người trẻ mong muốn được làm từ xa nhiều hơn. Dù vậy, lao động thuộc các hệ khác nhau đều gặp phải những thách thức giống nhau khi làm việc tại nhà.

Nhiều nhân viên văn phòng bất ổn tinh thần khi làm việc từ xa
Mặc dù đã quen với hình thức làm việc từ xa kéo dài, tiuy nhiên nhiều lao động cảm thấy căng thẳng và không được quan tâm đúng mức về sức khỏe tinh thần

Công ty Adecco, công ty tuyển dụng, tính lương và cung cấp các giải pháp nhân sự đã có một cuộc khảo sát thực tế về mức độ ưa chuộng loại hình làm việc từ xa này. Theo đó, khi được hỏi về tần suất mong đợi được làm việc tại nhà, gần 40% thế hệ Z (người dưới 25 tuổi) muốn làm việc từ xa hoàn toàn. Thế hệ Y (25-40 tuổi) và thế hệ X (41-55 tuổi) lại chuộng hơn cả hình thức tối ưu là tỷ lệ 50:50 giữa làm việc tại chỗ và làm việc từ xa.

Mặc dù các thế hệ khác nhau nhưng lại xảy ra những thách thức tương tự nhau, cụ thể khảo sát của Adeco Việt Nam đã chỉ ra 5 thách thức lớn nhất khi làm việc từ xa đối với mọi thế hệ là "Các vấn đề về làm việc nhóm và giao tiếp" (57,1%), "Các yếu tố gây phân tâm ở nhà" (48,5%), "Duy trì sự tương tác/động lực của tập thể" (46,2%), "Không gian làm việc thực tế" (44,2%) ), và "Cách ly xã hội" (38,8%).

Hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy "căng thẳng hơn" trong đợt bùng phát dịch gần đây so với năm 2020. Cụ thể, 43% thế hệ Z căng thẳng "gần như luôn luôn" và "hầu hết thời gian", tỷ lệ cao nhất so với các thế hệ Y (27,6%), thế hệ X (18,5%).

Nhiều nhân viên văn phòng bất ổn tinh thần khi làm việc từ xa
Dữ liệu và đồ họa: Adecco.

5 yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin.

Đáng chú ý hơn là 33% các doanh nghiệp không đưa ra bất kì hỗ trợ nào về khía cạnh tinh thần, vấn đề mà hơn 80% nhân viên coi trọng trong quá trình làm việc tại nhà này.

International SOS Việt Nam đánh giá hầu hết doanh nghiệp hiện nay vẫn ưu tiên các vấn đề sức khỏe tổng thể liên quan đến công việc. Trong khi đó, ngay từ trước đại dịch, sức khỏe tâm thần đã được coi là mối quan tâm lớn và "cơn sóng thần" mới quét qua môi trường làm việc hiện đại.

Tại Việt Nam, lao động gặp rào cản khi thoả thuận về chủ đề này vì sự kỳ thị thường thấy về sức khỏe tâm thần phổ biến ở châu Á. Thêm vào đó, các lãnh đạo cũng không nhận thức được về vấn đề sơ cứu sức khỏe tâm thần. Một số doanh nghiệp còn yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ, liên tục trên các trang mạng xã hội, các cuộc họp và trao đổi trực tuyến.

Nhiều nhân viên văn phòng bất ổn tinh thần khi làm việc từ xa
Dữ liệu và đồ họa: Adecco

Khi mọi người đang mong đợi nhiều thời gian làm việc tại nhà hơn, việc chuyển đổi số là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả công việc. “Đây không phải là một lựa chọn, đây là con đường duy nhất khi chúng ta có thể phải sống chung với dịch Covid-19 trong những năm tới”, ông Dũng Đặng, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Nano Technologies phân tích.

Các công ty có thể tận dụng tình hình hiện nay để đẩy nhanh quá trình số hóa tại nơi làm việc, không chỉ ứng dụng phần mềm mới mà còn dẫn dắt tư duy của mọi người sang hướng kỹ thuật số.

Ông Dũng Đặng cho rằng, hầu hết các dự án số hóa thất bại không phải do các công cụ không đủ tốt mà là do nhân viên không đồng thuận.

Theo đó, người sử dụng lao động cần cho nhân viên thấy rằng những công cụ này thật sự hữu ích qua tính minh bạch, đánh giá theo hiệu quả làm việc, và thêm thời gian để hoàn thành công việc trong khi vẫn cùng chịu trách nhiệm về thành công chung của tập thể. Đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi cho hành trình chuyển đổi số.

Đối với các công ty chủ yếu dựa vào quản lý thủ công, hình thức làm việc từ xa có thể gây ra không ít khó khăn lúc đầu.

Nguyên nhân là bởi mọi người sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen với các công cụ kỹ thuật số cơ bản, nên thời gian và năng suất ban đầu có thể giảm. Để đi đúng hướng, nhà quản lý nên điều chỉnh kỳ vọng của mọi người ngay từ đầu.

“Nhân viên đó liệu có đang làm việc “toàn thời gian” tại nhà hay không? Quản lý của tôi có đang theo dõi tôi quá sát sao khi cứ kiểm tra mỗi 3 giờ một lần không? Đây là những vấn đề thường thấy mà các nhà quản lý nên lường trước và giải quyết cởi mở với nhân viên”, ông Dũng Đặng khuyến nghị.

Khảo sát của Adecco Việt Nam chỉ ra rằng giữa các thế hệ, hơn 80% thế hệ X hoàn toàn và khá đồng ý rằng quản lý của họ tin tưởng họ có thể hoàn thành công việc khi làm việc từ xa. Đây là tỷ lệ cao nhất, cũng khá cách biệt so với con số 67% từ thế hệ Z đồng ý với nhận định này.

Thế hệ X cũng tin tưởng mạnh mẽ vào đội ngũ lãnh đạo sẽ thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết trước khi cho phép mọi người quay trở lại nơi làm việc.

Ngoài ra, để lao động làm việc từ xa an tâm và thuận lợi hơn, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi và đào tạo.

Theo kết quả khảo sát của Adecco Việt Nam, khía cạnh mà nhiều người lao động mong muốn nhất chính là các phụ cấp hàng tháng cho tiền điện hoặc điện thoại. Cụ thể hơn 32% người tham gia khảo sát cho biết họ đều gặp nhiều khó khăn về các chi phí hàng ngày khi làm việc tại nhà. Các hỗ trợ khác mà họ mong đợi bao gồm các khoản hoàn trả cho việc sắp xếp văn phòng tại nhà, duy trì giờ làm việc linh hoạt...

Nhiều nhân viên văn phòng bất ổn tinh thần khi làm việc từ xa
Dữ liệu và đồ họa: Adecco

Cụ thể, hơn 96,6% người trả lời khảo sát cũng cho biết sẵn sàng tham gia vào các hoạt động tái đào tạo của doanh nghiệp. "Các doanh nghiệp có thể cung cấp thêm chương trình đào tạo trực tuyến chuyên sâu trong gói phúc lợi nhân viên", ông Minh Đỗ, Trưởng phòng Học thuật tại CoderSchool khuyến nghị.

Vị chuyên gia gợi ý 2 giải pháp. Phổ biến nhất là chia người học thành các nhóm nhỏ với các chương trình đào tạo dành riêng cho họ. Phương pháp này tương đối hiệu quả khi trình độ và năng lực của mỗi cá nhân trong nhóm tương đương nhau. Một giải pháp khác là xây dựng các bài học nhỏ, sau đó sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine learning để theo dõi và đánh giá lộ trình học tập của mỗi người. Từ đó, các nội dung tiếp theo sẽ được giới thiệu một cách hợp lý nhất".

PGS TS Phạm Thành Dương, Đại học Việt Đức, khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm kiếm những nhân viên có khả năng tự học ngay từ đầu, hợp tác với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu để cập nhật công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao hơn. Việc tổ chức các buổi hội thảo thường xuyên cũng giúp truyền cảm hứng cho nhân viên chia sẻ ý tưởng để cải thiện quy trình làm việc của họ.

Tổng hợp