Năm điều doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm thiểu tác động kinh tế do COVID-19 gây ra
Năm điều doanh nghiệp có thể thực hiện để duy trì và củng cố hoạt động trong và sau thời kỳ dịch bệnh do virus Corona (COVID-19)
Chỉ trong vài tháng, dịch bệnh do virus Corona (COVID-19) đã lan rộng trên toàn cầu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia. Ở giai đoạn này, rất khó để dự đoán cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động đến khu vực kinh tế tư nhân như thế nào. Dựa trên dữ liệu khảo sát của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) , dưới đây là năm điều doanh nghiệp có thể thực hiện để duy trì và củng cố hoạt động trong quãng thời gian khó khăn này.
1. Ưu tiên vấn đề an toàn cho nhân viên
Việc bạn ưu tiên vấn đề an toàn cho lực lượng lao động cũng chính là đang ưu tiên khả năng hoạt động không bị gián đoạn cho doanh nghiệp của mình. Một công nhân bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến việc đóng cửa cả một cơ sở kinh doanh. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, doanh nghiệp nên tiến hành đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh một cách kỹ lưỡng, kết hợp áp dụng các biện pháp kiểm soát hành chính và kỹ thuật phù hợp, thực hiện các biện pháp an toàn lao động và phát các thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ người lao động khỏi lây nhiễm. Hãy sử dụng hướng dẫn do các cơ quan y tế ban hành để nâng cao nhận thức của nhân viên, thường xuyên điều chỉnh các quy trình vận hành an toàn hiện có và đào tạo nhân viên về cách phòng tránh lây nhiễm virus, bao gồm việc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động đúng cách.
2. Truyền đạt thông tin rõ ràng và tham khảo ý kiến của nhân viên
Theo khảo sát do HAWA thực hiện, 61% doanh nghiệp báo cáo rằng chỉ có 60 đến 80% công nhân quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Công nhân nghỉ việc do lo sợ bị lây nhiễm hoặc phải ở nhà chăm sóc con em khi trường học đóng cửa. Việc đưa ra thông tin nhất quán và chính xác là chìa khóa để lấy lại và giữ niềm tin của lực lượng lao động – nhân viên cần được biết rằng phúc lợi của họ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Hãy thường xuyên hỏi nhân viên về những lo lắng của họ và đón nhận những ý tưởng của nhân viên để có thể đưa ra các biện pháp cần thiết giúp bảo toàn lực lượng lao động và doanh nghiệp của bạn.
3. Quản lý dòng tiền
Dữ liệu khảo sát của HAWA cho thấy 59% doanh nghiệp đã giảm đơn đặt hàng sau Tết. 96% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng và chịu áp lực về lãi suất và thời gian trả nợ. Doanh thu có thể sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay. Một số khách hàng sẽ chậm trả hoặc không thể trả tiền hàng. Doanh nghiệp có thể làm gì để cải thiện dòng tiền?
Hãy tính toán các chi phí cố định và chi phí biến đổi, sau đó ước tính thời gian doanh nghiệp có thể tồn tại với lượng tiền mặt dự trữ và chuyển đổi chi phí cố định thành chi phí biến đổi nếu có thể. Xem lại kế hoạch đầu tư vốn và những ưu tiên đầu tư để có thể cắt giảm các khoản đầu tư khi cần thiết. Tập trung vào quản lý hàng và nguyên vật liệu tồn kho – có thể doanh nghiệp của bạn đang cần thêm nguyên vật liệu do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng cũng không nên để quá nhiều vốn bị giữ tại đây. Hãy thương thảo về tiến độ thanh toán và các phương án tài chính thay thế với các nhà cung cấp.
4. Đánh giá rủi ro trong chuỗi cung ứng
Từ dữ liệu khảo sát của HAWA, 73% doanh nghiệp phải đối mặt với sự gián đoạn và chậm trễ trong chuỗi cung ứng, trong đó có tình trạng thời gian nhập về nguyên vật liệu, phụ liệu đầu vào lâu hơn, nguồn hàng thiếu hụt dần và giá thành tăng. Trong khi tình hình ở các quốc gia như Trung Quốc đã tốt hơn, dịch bệnh vẫn đang phát triển và các doanh nghiệp có nguồn cung ứng từ châu Âu và Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp sẽ tìm ra được các lỗ hổng tiềm tàng nếu hiểu rõ về chuỗi cung ứng của mình. Hãy bắt đầu với các sản phẩm quan trọng nhất và đừng giới hạn mình với các nhà cung cấp cấp một và cấp hai. Việc tìm thêm nhà cung cấp có thể giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ hết nguyên liệu đầu vào.
5. Rà soát kế hoạch xử lý khủng hoảng và đảm bảo kinh doanh liên tục
Mỗi doanh nghiệp hoạt động tốt đều có một kế hoạch xử lý khủng hoảng hoặc một kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục. Doanh nghiệp của bạn có thể đã sử dụng kế hoạch này, nhưng đây là thời điểm bạn cần thường xuyên điều chỉnh kế hoạch và chuẩn bị ứng phó trong trường hợp tình hình diễn biến xấu hơn. Lập kế hoạch theo các kịch bản sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các chiều hướng phát triển và đưa ra các giải pháp phù hợp. Hãy đưa cách thức thông báo trong trường hợp khẩn cấp vào kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục. Cần quy định rõ ràng ai sẽ truyền đạt nội dung gì, truyền đạt bằng cách nào và tới ai khi khủng hoảng xảy ra.
Bài viết nổi bật
- Thị trường văn phòng cho thuê có nhiều tay chơi mới
- Động lực nào thúc đẩy thị trường văn phòng cho thuê năm 2021?
- Văn phòng cho thuê đang chuyển ra xa khỏi trung tâm đắt đỏ
- Khi ly cà phê cũng tác động đến thị trường cho thuê
- WeWork ra mắt sáng kiến G.I.V.E cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và ĐNA
- Cách tránh lây nhiễm COVID-19 trong thang máy dân văn phòng cần biết