Khách thuê yêu cầu giảm giá, giá thuê văn phòng cao cấp 2021 vẫn tăng chóng mặt
Theo báo cáo từ Savills, một số khách hàng yêu cầu chủ nhà xuống giá thuê trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạo, các doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách xã hội do lệnh cấm di chuyển, không thể đến văn phòng làm việc. Thế nhưng, việc giảm giá gần như không xảy ra.
Đại dịch Covid-19 kéo dài có tác động đến giá thuê văn phòng không?
Báo cáo thị trường văn phòng TP HCM của CBRE cho biết : Nhu cầu và công suất thuê văn phòng làm việc trong quý II/2021 đã giảm mạnh so với các quý trước khi phải hứng chịu không ít các tác động từ đại dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, trong quý II/2021, giá thuê văn phòng bình quân tại TP.HCM và Hà Nội giảm 1,7% so với quý trước.
Trong khi đó, dữ liệu thị trường văn phòng quý I/2021 của Savills Việt Nam lại cho đánh giá ngược lại. Theo đó, bất chất các đợt bùng phát dịch bệnh, giá thuê văn phòng tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 6% so với năm ngoái, giữ ở mức 21 USD/m2/tháng, tương đương 483.000 đồng/m2/tháng.
Giải thích cho hiện tượng này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh, khách thuê cảm thấy khó khăn hơn khi ra quyết định thuê văn phòng tại thời điểm này. Hoạt động khảo sát mặt bằng và thi công nội thất cũng gặp nhiều hạn chế.
Hầu hết các doanh nghiệp đều quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê hoặc tạm hoãn kế hoạch chuyển văn phòng cho đến năm sau khi dịch bệnh được dập tắt.
“Do vậy, tôi cho rằng 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm thị trường nhìn thấy sự chậm lại của tình hình hoạt động phân khúc phân phòng và sụt giảm trong tỷ lệ thuê thêm”, bà Nguyệt Minh cho biết.
Tuy nhiên, bà Minh đánh giá: Một số khách hàng yêu cầu giảm giá thuê văn phòng trong thời gian giãn cách xã hội do lệnh cấm di chuyển, không thể đến văn phòng làm việc. Thế nhưng, việc giảm giá gần như không xảy ra, giá thuê văn phòng sẽ không bị tác động sau tình hình dịch.
“Xét về dài hạn, giá thuê hiện tại ở thị trường Hà Nội đang phản ánh đúng giá trị của thị trường và khả năng chi trả của khách thuê văn phòng. Do vậy, sẽ không có xu hướng giảm giá thuê đồng bộ trên thị trường để giữ chân khách hàng”, bà Minh nói.
Giám đốc Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội bổ sung, giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực như Hoàn Kiếm hay khu vực phía Tây. Mức chênh lệch này thậm chí gần như gấp đôi về giá thuê trên mét vuông.
Do vậy, khi các tòa nhà văn phòng tiêu chuẩn cao được đưa vào thị trường, nguồn cung lớn và giá thuê thấp ở khu vực Phía Tây Hà Nội vẫn đang kéo mức giá thuê trung bình tại Hà Nội ở mức 33 USD/m2/tháng. Con số này thấp hơn giá thuê bình quân ở TP.HCM, nơi mà các văn phòng hạng A đa số tập trung ở Quận 1.
Văn phòng linh hoạt, không hẳn giúp tối ưu chi phí thuê mặt bằng
Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện tại, một số khách thuê lựa chọn sử dụng các dịch vụ văn phòng linh hoạt để tiết kiệm chi phí. Về cơ bản, văn phòng linh hoạt là một văn phòng hoặc một phần của văn phòng cung cấp sự linh hoạt trong hợp đồng và diện tích thuê.
Trong khi các văn phòng truyền thống thường yêu cầu người thuê ký kết hợp đồng cho thuê dài hạn thì với văn phòng linh hoạt, người thuê có thể đăng ký thuê trong một năm, sáu tháng hoặc thậm chí là theo tháng. Điều này đặc biệt hữu ích cho các công ty không có dự định ký hợp đồng dài hạn.
Thế nhưng, bà Hoàng Nguyệt Minh đánh giá, việc từ bỏ văn phòng truyền thống để chuyển sang mô hình văn phòng linh hoạt không hẳn giúp tối ưu chi phí thuê mặt bằng.
“Trước khi đi đến quyết định chuyển đổi văn phòng, doanh nghiệp cần lưu ý rằng các hợp đồng thuê văn phòng truyền thống hiện nay thường kéo dài từ 3 đến 5 năm, đi kèm với những điều khoản gia hạn trung bình từ 3 đến 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giá thuê văn phòng dịch vụ thường đắt hơn giá thuê văn phòng truyền thống, việc tiết kiệm chi phí khi sử dụng loại hình văn phòng này là không chắc chắn”, bà Minh giải thích.
Đồng quan điểm, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: Giá thuê sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường.
"Tại Hà Nội, các doanh nghiệp nội địa và quốc tế đang có xu hướng sử dụng không gian văn phòng chất lượng cao với diện tích mặt sàn đáng kể. Với nhiều dự án đang được xây dựng, nguồn cung mới có khả năng khiến lĩnh vực văn phòng trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều trong thời gian tới”, ông Matthew Powell nói.
Bài viết nổi bật
- Thị trường văn phòng cho thuê có nhiều tay chơi mới
- Động lực nào thúc đẩy thị trường văn phòng cho thuê năm 2021?
- Văn phòng cho thuê đang chuyển ra xa khỏi trung tâm đắt đỏ
- Khi ly cà phê cũng tác động đến thị trường cho thuê
- WeWork ra mắt sáng kiến G.I.V.E cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và ĐNA
- Cách tránh lây nhiễm COVID-19 trong thang máy dân văn phòng cần biết