Bỏ phố về quê làm giàu từ gáo dừa
Mạnh dạn bỏ công việc ổn định tại một doanh nghiệp, Lê Thị Huế My cùng chồng là Lê Trọng Hiếu, đã về quê ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mở xưởng sản xuất các dòng máy chạm gỗ, tiện gỗ tự động hóa. Đặc biệt hơn, những chiếc máy này đã biến những miếng gáo dừa thành sản phẩm thủ công tinh xảo, đẹp mắt.
Vốn là cử nhân kinh tế nông nghiệp, nhưng Huế My rất đam mê và đã dành nhiều thời gian tự nghiên cứu, thiết kế đồ họa từ khi còn là sinh viên. Chồng My là kỹ sư cơ điện tử. Anh nghiên cứu, sản xuất máy theo công nghệ điều khiển tự động, còn My thiết kế bản vẽ, lập trình trên máy tính để có thể điều khiển vận hành tự động hóa dây chuyền máy móc.
Huế My bên các sản phẩm chế tạo từ gáo dừa.
Huế My chia sẻ, các cơ sở thủ công mỹ nghệ ít áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chủ yếu làm bằng tay nên giá thành cao, số lượng sản phẩm không nhiều. Máy CNC do vợ chồng My sản xuất, có thể sử dụng phổ biến trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên gỗ, đặc biệt là đối với gỗ dừa tại Bến Tre.
Ưu điểm của công nghệ này là giúp người sản xuất giảm nhân công, sản lượng ổn định, có thể sản xuất ngày - đêm, chất lượng sản phẩm đồng đều, không lo lắng về tay nghề tiện của người lao động. Máy được điều khiển qua kết nối với máy tính đã lập trình sẵn. Giá mỗi máy do vợ chồng Huế My sản xuất thấp hơn 20% so với thị trường.
Sau hơn 1 năm theo đuổi niềm đam mê sản xuất máy móc theo công nghệ hiện đại, Công ty của Huế My đã cung cấp hơn 20 máy cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre, Tiền Giang… Không chỉ sản xuất, nâng cấp máy theo công nghệ CNC, đôi vợ chồng trẻ còn liên kết với 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh đang sử dụng máy công nghệ CNC do Công ty cung cấp, để sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Cùng với việc chế tạo máy, Huế My đã ứng dụng sản phẩm của mình vào sản xuất các mặt hàng từ gáo dừa. Cô gái trẻ nhiều đam mê cho biết, gáo dừa hiện được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất than hoạt tính và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là vật liệu xanh có cấu trúc tuyệt vời để làm đồ dùng gia đình an toàn, thân thiện với môi trường và đồ trang trí rất độc đáo.
Nếu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất than hoạt tính, gáo dừa có giá khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg; khi sử dụng làm đồ dùng, đồ thủ công mỹ nghệ, giá trị gáo dừa tăng lên từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, gáo dừa là vật liệu an toàn, không sử dụng sơn, keo độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên và môi trường, phân hủy tự nhiên.
Tết Trung thu 2018, Công ty của My sản xuất hơn 1.200 chiếc lồng đèn bằng gáo dừa đầu tiên tại Việt Nam. Hiện Công ty sản xuất gáo dừa theo 3 nhóm sản phẩm chính: Nhóm vật dụng gia đình; nhóm đồ chơi trẻ em; nhóm vật dụng kết hợp trang trí. Bên cạnh đó, Huế My tổ chức liên kết các cơ sở làm thủ công mỹ nghệ trong tỉnh để sản xuất mặt hàng gáo dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ và châu Âu.
Anh Nguyễn Phúc Linh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bến Tre cho biết: Dự án khởi nghiệp của Lê Thị Huế My là một trong số ít dự án của thanh niên Bến Tre gắn với ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Huế My không ngừng học hỏi, nghiên cứu các thành tựu kỹ thuật mới để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Bài viết nổi bật
- Thị trường văn phòng cho thuê có nhiều tay chơi mới
- Động lực nào thúc đẩy thị trường văn phòng cho thuê năm 2021?
- Văn phòng cho thuê đang chuyển ra xa khỏi trung tâm đắt đỏ
- Khi ly cà phê cũng tác động đến thị trường cho thuê
- WeWork ra mắt sáng kiến G.I.V.E cho doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và ĐNA
- Cách tránh lây nhiễm COVID-19 trong thang máy dân văn phòng cần biết