Tương lai văn phòng hậu đại dịch
Sự trỗi dậy của lực lượng lao động Millennials, sành công nghệ và tư duy làm việc mới, đã tạo nên nhiều xáo trộn trong các văn phòng truyền thống. Đại dịch Covid-19 đẩy doanh nghiệp đi tìm điểm cân bằng mới càng làm thách thức đến sự tồn vong của các không gian làm việc vốn quen thuộc với nhiều người.
Trước khi đại dịch bùng phát, sự hiện diện của những văn phòng truyền thống đã đứng trước nhiều rủi ro. Sự lên ngôi của Internet và các sản phẩm công nghệ khiến việc các nhân viên công ty ngồi 8 tiếng mỗi ngày trong văn phòng trở nên không cần thiết.
Một bàn đầy hồ sơ giấy tờ nay thu nhỏ lại trong laptop hay thậm chí trên chiếc điện thoại di động. Những buổi họp được lên lịch chi tiết nay không cần ngồi trong phòng họp vẫn diễn ra tốt đẹp: nhân viên ở nhà, quán cà phê, thậm chí ngay tại phòng đợi chuyến bay ở một quốc gia xa xôi.
Công năng của văn phòng cũng dần thay đổi khi lực lượng lao động dần chuyển giao sang tay thế hệ Millennial (những người sinh từ năm 1980-1995): Văn phòng không còn là chỗ để nhân viên đến quét dấu vân tay báo ngày công mà phải trở thành nơi khơi được cảm hứng làm việc.
Một nhân viên đang vận động tại khu leo núi giả tại văn phòng Google ở Colorado (Mỹ). Ảnh: Glassdoor.
Thay vì những khối bàn làm việc được ngăn kín, văn phòng biến thành những không gian mở, được trang bị cả phòng gym, bếp ăn, thậm chí cả bể bơi đến 93.000 m2, như văn phòng Google tại Luân Đôn, nơi được công ty rót gần 1 tỉ USD và mất hơn ba năm hoàn thiện.
Sự thay đổi trong tư duy chủ doanh nghiệp và nhân viên, mức độ thâm nhập công nghệ gia tăng cùng làn sóng khởi nghiệp đã tạo đà cho những công ty như WeWork, Toong, Circo khẳng định vị trí trên thị trường bất động sản.
"Nhưng dịch Covid-19 bùng phát trở thành cơ hội thử nghiệm bất đắc dĩ cho chính sách làm việc tại nhà tại hầu hết mọi doanh nghiệp,” bà Marian Salzman, phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông toàn cầu của tập đoàn Philip Morris International (PMI) nhận định.
Khảo sát của Gartner trên các lãnh đạo tài chính cấp cao chỉ ra rằng 74% tổ chức đã quyết định cho một số nhân viên làm việc tại nhà vĩnh viễn.
Khảo sát mới nhất được CBRE công bố tháng 6 này cho thấy 86% doanh nghiệp toàn cầu chọn cho nhân viên làm việc tại nhà, tiếp theo là chính sách làm việc linh hoạt (61%). Hơn 80% lãnh đạo cũng cho biết chiến lược dài hạn của họ là đầu tư nhiều hơn vào công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa.
Tuy vậy khảo sát của Acheckin chỉ ra rằng chỉ 18% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát có kinh nghiệm làm việc từ xa, trong khi 82% thỉnh thoảng hoặc chưa từng thực thi chính sách này.
“Rất nhiều lãnh đạo lo sợ mất kiểm soát. Đây sẽ là sự điều chỉnh lớn với những người tin vào những giá trị doanh nghiệp truyền thống,” theo Stephanie Wernick Barker, chủ tịch công ty quảng cáo Mondo.
Các chuyên gia cho rằng trong lúc này, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên "văn hóa là để chống dịch chứ không phải dịch bắt ta phải xây dựng văn hóa," ông Nguyễn Đình Thành - giám đốc quản lý của Elite PR School nhận định.
Bà Marian Salzman cũng cho rằng khủng hoảng này là dịp minh chứng sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp, khẳng định vai trò thiết yếu của mối dây liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Văn hóa đó cần ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của nhân viên và gia đình họ, đảm bảo tất cả đều cảm thấy yên tâm với công việc và nhận được sự giúp đỡ cần thiết trong khủng hoảng.
Thế giới giờ đây đang định hình một tình trạng “bình thường mới”, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục vận hành theo một hệ thống lai, trong đó một số nhân viên sẽ quay về văn phòng, có thể chia theo ca hoặc ngày làm.
Để bộ máy tiếp tục được vận hành trơn tru, các lãnh đạo rất cần phải nuôi cấy tinh thần đồng lòng của toàn thể doanh nghiệp. "Họ có thể không cùng làm việc một nơi nhưng tinh thần vẫn tập trung một chỗ. Chính vì vậy duy trì giao tiếp liên tục và thường xuyên có vai trò rất quan trọng,” bà Marian Salzman nhận định với Forbes Việt Nam.
Theo Forbes Việt Nam